Giới thiệu sách, Thiền và cuộc sống

NGUYÊN NHÂN CỦA LO LẮNG

(trích Sao phải lo lắng!, tác giả K. Sri. Dhammananda, dịch giả Pháp Minh Trịnh Đức Vinh)

Trong tất cả trạng thái tinh thần có hại, lo lắng kinh niên là một trong những trạng thái nguy hiểm và gây hại cho sức khỏe nhất. Tại sao con người lại lo lắng? Khi phân tích sâu xa, chỉ có một câu trả lời duy nhất. Con người lo lắng bởi vì các khái niệm “tôi” và “của tôi” [ngã, ngã sở] hay điều mà đạo Phật gọi là “ảo tưởng bản ngã”.

Khi con người lần đầu tiên trầm tư về bản chất của sự tồn tại, do còn thiếu hiểu biết, họ nghĩ rằng mỗi người được cấu tạo từ hai thành phần: thể xác và tâm hồn [thân và tâm/ sắc và danh], cả hai đều trường tồn và chắc thật. Điều này làm sinh khởi ý tưởng sai lầm về cái tôi hay bản ngã. Ý tưởng về bản ngã làm gia tăng ý tưởng về ngã và ngã sở [tôi và của tôi], còn điều này lại làm tăng sự tham lam tiền bạc, sự khao khát nhục dục, các mong muốn ích kỷ, tính tự phụ, kiêu ngạo cùng nhiều suy nghĩ bất thiện khác. Khái niệm “tôi” [bản ngã] này là nguồn gốc chính của mọi vấn đề, từ những mâu thuẫn cá nhân cho đến chiến tranh giữa các quốc gia.

Từ ý tưởng “cái tôi” sinh ra niềm tin vào ý niệm sai lầm của thể xác vĩnh cửu – thứ cần phải được thỏa mãn. Nó dẫn tới sự cực đoan trong việc thỏa mãn các khao khát, ham muốn của thể xác. Sự lo lắng của việc không đáp ứng được nhu cầu và mong ước để có sự thỏa mãn đầy đủ mang đến lo lắng và bất an cho con người. Do đó, lo lắng chính là một trạng thái tiêu cực của tâm sinh khởi từ việc dính mắc vào sự dễ chịu trần tục. Càng dính mắc nhiều vào sự vật, mối lo lắng đánh mất nó càng lớn hơn.

Tương tự như vậy, con người trở nên bất an khi sở hữu hay liên quan tới điều được xem là không ưa thích. Chính sự dính mắc vào cảm giác dễ chịu và ghét bỏ cảm giác khó chịu này làm gia tăng sự lo lắng.

Sự lo lắng và đau khổ mà một người trải qua chính là mối quan hệ tương hỗ giữa mong muốn ích kỷ của người đó với những điều kiện luôn thay đổi của thế gian. Không hiểu biết sự thật này là nguyên nhân của nhiều đau khổ. Nhưng một người đã huấn luyện tâm để nhận ra bản chất thật của đời sống cùng các đặc tính của nó lại có thể vượt qua được đau khổ. Người khôn ngoan sẽ nhận ra rằng, việc phải xa lìa các trải nghiệm dễ chịu hay những người mình yêu mến là điều không thể tránh khỏi. Điều này có thể xảy ra bất cứ lúc nào, dù là khi mới bắt đầu, giai đoạn giữa hay giai đoạn cuối của cuộc đời. Điều chắc chắn duy nhất trên thế giới hay thay đổi này là mọi thứ sẽ phải đi đến hồi kết của mình. Sự thực duy nhất là sự thay đổi. Vì vậy, những ai nghĩ rằng mình không thể thiếu vắng được hoặc mình phải có mặt để thấy công việc được tiến hành, nên suy nghĩ về điều sẽ xảy ra khi họ không còn hiện hữu nữa. Bởi vì những người như họ sẽ được nhớ tới nhưng sự vắng mặt của họ sẽ được thay thế chỉ trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, vì không ai là không thể thiếu vắng trên thế gian này, nên thế giới vẫn sẽ tiếp tục như thường lệ. Nếu đã thế, tại sao con người phải lo lắng nhiều tới vậy, những nỗi lo sợ được nuôi dưỡng bởi sự tưởng tượng này chỉ phá hoại sức khỏe và cuối cùng rút ngắn thời gian của hành trình cuộc đời!

Sự xa cách khỏi những gì chúng ta dính mắc cũng mang lại đau khổ. Con người cảm thấy mất mát, chán nản, thối chí và tuyệt vọng khi ai đó hay điều gì đó đáng yêu bị mất đi bởi một lý do nào đó. Đây là một tiến trình tự nhiên, là sự vận hành của quy luật Vô thường [không trường tồn, luôn thay đổi]. Con người trải nghiệm đau khổ bất cứ khi nào họ bị những người họ yêu mến từ chối. Nhưng đôi khi, thay vì rút ra bài học để giải quyết tình huống này bằng cách cho phép thời gian hàn gắn vết thương lòng, họ lại trở nên tê liệt với sự thất vọng, trầm tư về những điều đã qua trong tâm, rồi tìm kiếm những phương cách để vá víu trái tim đã tan vỡ của mình. Một số người thậm chí còn thể hiện sự giận dữ và thất vọng của mình qua những hành vi bạo lực.

Related Posts