Về cuốn “Bộ não của Phật” của tác giả, nhà tâm lý học thần kinh Rick Hanson và bác sĩ lâm sàng Richard Mendius
Tác giả: Tỳ khưu ni Pháp Hỷ, Tiến sĩ Phật học và Ngôn Ngữ Pali tại Srilanka 2008
Tâm và não có quan hệ như thế nào? Liệu tâm có phải chỉ là sản phẩm của bộ não như các nhà duy vật tin tưởng bấy lâu nay, hay não và tâm có mối liên hệ hỗ tương như đức Phật đã dạy mấy ngàn năm trước?
Tâm là một lĩnh vực khá huyền bí và khó hiểu với nhiều người. Não cũng là một thực thể mà hoạt động của nó cũng chưa được khám phá bởi hầu hết những người bình thường như chúng ta. Đời sống vô hình và cụ thể, những tương tác trong mỗi con người và các mối quan hệ gia đình và xã hội tạo nên những tính cách và những cảm nhận khác nhau. Chúng ta có thể làm gì để cho các tương tác này tốt hơn, mang lại cảm xúc lành mạnh và tạo dựng những mối quan hệ tốt đẹp cho mình và cho người?
Cuốn sách thú vị “Bộ não của Phật” do hai tác giả là các nhà chuyên môn về lĩnh vực thần kinh là bác sĩ lâm sàng Richard Mendius và tiến sỹ tâm lý học thần kinh Rick Hanson viết về mối quan hệ hỗ tương này.
Cả hai tác giả đều là những hành giả và đồng thời nghiên cứu thiền ảnh hưởng như thế nào lên tâm trí và bộ não con người theo phương pháp khoa học. Những kết quả nghiên cứu của họ thực sự rất thú vị. Họ trở thành những người tiên phong trong việc đem những lời dạy của đức Phật từ cổ xưa truyền bá và làm cho hữu ích đến thời đại này bằng ngôn ngữ và các khái niệm rất khoa học và thực tiễn.
Tôi rất tâm đắc với trích đoạn này trong sách: “bộ não của chúng ta đã phát triển lớn hơn rất nhiều lại sẽ trở thành mảnh đất màu mỡ cho mùa thu hoạch khổ. Chỉ loài người chúng ta mới lo lắng về tương lai, nuối tiếc về quá khứ và dằn vặt, đổ lỗi cho chính mình trong hiện tại.
Chúng ta cảm thấy cay cú khi không thể có được thứ chúng ta muốn và thất vọng khi những gì mình ưa thích đến lúc phải hoại diệt. Chúng ta khổ khi thấy mình khổ. Chúng ta lo lắng vì mình đang nếm trải đau khổ, giận dữ về cái chết, buồn bã vì nhận thấy nỗi buồn hàng ngày. Loại đau khổ này vốn chứa đựng hầu hết nỗi bất hạnh và sự bất toại nguyện của chúng ta là do bộ não xây dựng nên. Nó được ngụy tạo từ sự mỉa mai, nỗi cay đắng và cả niềm hy vọng tột bậc.
Cho nên, nếu bộ não là nguyên nhân của khổ, thì chính nó cũng có thể trở thành liều thuốc chữa khổ đau.”
Vâng, hãy đọc cuốn sách Bộ Não của Phật để thử nghiệm những cách “thoát khổ’ rất khoa học, rất nhân văn và rất bài bản của Tiến sĩ Rick Hanson. Trong cuốn sách này chúng ta sẽ được nghe lại Tứ Diệu Đế và Tứ Niệm Xứ, và thực hành phát triển tâm từ bi cũng như quán vô thường, khổ và vô ngã trong ngôn ngữ khoa học thần kinh – một lĩnh vực rất mới mẻ và hấp dẫn.