Giới thiệu sách, Giới thiệu Tác giả, Thiền và cuộc sống

CƠ HỘI CHƯA TỪNG CÓ

Cũng như kính hiển vi đã cách mạng hóa sinh học, trong vài thập kỷ qua, các công cụ nghiên cứu mới như chụp cộng hưởng từ chức năng fMRI đã đưa đến sự gia tăng đáng kể kiến thức khoa học về tâm và não bộ. Do đó, giờ đây chúng ta có thêm nhiều phương pháp để trở nên hạnh phúc hơn và hiệu năng hơn trong cuộc sống hàng ngày.

Trong khi đó, ngày càng có nhiều sự quan tâm tới các truyền thống quán chiếu, vốn đã thẩm sát tâm — và do đó là nghiên cứu về bộ não — trong hàng nghìn năm, giúp tâm/bộ não tĩnh lặng đến mức có thể lắng nghe những tiếng thì thầm nhẹ nhàng nhất của nó và huân tập những phương cách vi tế để chuyển hóa nó.

“Trong 20 năm qua, chúng ta có thể hiểu nhiều điều về bộ não hơn tất cả những gì đã được lịch sử ghi chép lại.” — Alan Leshner

Nếu bạn muốn thành thạo bất cứ điều gì, thì bạn nên học hỏi từ những người đã thuần thục kỹ năng đó, chẳng hạn như nếu bạn thích nấu ăn thì hãy học hỏi từ những đầu bếp hàng đầu trên ti vi. Vì vậy, nếu bạn muốn cảm nhận nhiều hơn niềm hạnh phúc, sức mạnh nội tâm, sự sáng suốt và bình an thì hoàn toàn hợp lý khi bạn tìm đến những người thực hành quán chiếu — gồm cả những tu sĩ và cư sĩ thuần thành — những người đã thực sự theo đuổi việc tu dưỡng những phẩm hạnh này.

Mặc dù từ “quán chiếu” nghe có vẻ xa lạ, nhưng thực ra bạn cũng đã thực hành quán chiếu nếu bạn đã từng thiền tập, cầu nguyện, hoặc chỉ đơn giản là yên lặng ngắm nhìn các vì sao. Trên thế giới có rất nhiều truyền thống quán chiếu, hầu hết trong số đó gắn liền với các tôn giáo chính của chúng bao gồm Đạo Thiên Chúa, Đạo Do Thái, Đạo Hồi, Đạo Hinđu và Đạo Phật.

“Bất cứ điều gì không dựa trên cái nhìn quán chiếu về cuộc sống thì kỳ thực đều là một con đường tất yếu đưa tới khổ đau.” —     Cha Thomas Keating

Trong những tôn giáo này, khoa học có nhiều mối liên hệ nhất với Đạo Phật. Cũng giống như khoa học, Đạo Phật khuyến khích mọi người không nên chỉ có niềm tin thuần túy, và không đòi hỏi phải có niềm tin vào Thượng Đế. Đạo Phật cũng có một mô hình chi tiết về tâm mà có thể được giải thích khá rõ ràng trong tâm lý học và thần kinh học. Do đó, bên cạnh sự tôn trọng đặc biệt đối với các truyền thống quán chiếu khác, chúng tôi sẽ đặc biệt chú trọng vào những phương pháp và quan điểm của Đạo Phật.

Hãy tưởng tượng mỗi bộ môn này — tâm lý học, thần kinh học, và thực hành quán chiếu — là một vòng tròn. Những khám phá được đưa ra tại phần giao thoa đó chỉ mới bắt đầu cho thấy triển vọng của chúng, nhưng các nhà khoa học, bác sĩ lâm sàng và hành giả đã hiểu rõ về những trạng thái của bộ não làm nền tảng cho trạng thái tâm thiện cùng cách thức kích hoạt các trạng thái não bộ đó. Những khám phá quan trọng này mang đến cho bạn khả năng tuyệt vời để tác động đến tâm thức của chính bạn. Bạn có thể sử dụng khả năng đó để làm giảm bớt bất kỳ nỗi đau khổ hoặc sự rối loạn chức năng nào, tăng cường sức khỏe và hỗ trợ thực hành tâm linh; đây chính là những hoạt động trọng tâm của những gì có thể được gọi là con đường tỉnh thức và mục đích của chúng tôi là sử dụng khoa học nghiên cứu não bộ để giúp bạn đi xa hơn và vững bước trên con đường đó. Không cuốn sách nào có thể cung cấp hiểu biết cho bạn về bộ não của một vị Phật, nhưng bằng cách hiểu rõ hơn về tâm và bộ não của những người đã đi một chặng đường dài trên con đường tỉnh thức này, bạn có thể vun bồi hơn nữa những phẩm chất vui vẻ, yêu thương và trí tuệ sâu sắc của họ trong tâm và bộ não của chính bạn.

“Lịch sử khoa học trở nên phong phú nhờ sự giao thoa giữa hai xu hướng kỹ thuật, hai chiều hướng tư tưởng, được phát triển ở những bối cảnh khác nhau trong việc theo đuổi chân lý mới.” — J. Robert Oppenheimer

trích “Bộ não của Phật”, tác giả: tiến sĩ Rick Hanson, bác sĩ Richard Mendius,    dịch giả: Lê Thị Minh Hà, Nguyễn Hà Phương

Related Posts