Do nhận được nhiều lợi lạc từ cuốn sách Kinh nghiệm thiền quán của thiền sư Joseph Goldstein, tôi tìm đọc thêm các tác phẩm của thiền sư, với mong muốn tìm ra cuốn sách nào có thể giới thiệu một cách bài bản và hệ thống phương pháp thực hành thiền. Trong bất kỳ lĩnh vực nào, việc tìm ra phương pháp thực hành đúng đắn là rất quan trọng, như người Phương Tây vẫn thường nói: “Biết phương pháp thì người dốt cũng như người giỏi. Không biết phương pháp thì người giỏi cũng như người dốt.” Trong thời gian này (những năm 1999, 2000), số lượng tài liệu, sách vở về thiền học và Đạo Phật chưa có nhiều, Internet cũng chưa phổ biến, nhưng thật may mắn khi tôi đã tìm thấy cuốn sách 30 ngày thiền quán của thiền sư Joseph Goldstein ở Thư viện chùa Quán Sứ. Cuốn sách ghi lại những bài giảng trong khóa thiền 30 ngày do thiền sư hướng dẫn tại IMS (Insight Meditation Society), trung tâm thiền Vipassana đầu tiên tại Mỹ.
Phần mở đầu là những lời dạy và hướng dẫn khi bắt đầu khóa thiền, như quy y Tam Bảo, thọ trì ngũ giới, cơ hội quý báu của sự tu tập, tầm quan trọng của sự kiên nhẫn, giá trị của sự thinh lặng, sự ẩn dật, việc chuyên tâm tu tập theo đúng phương pháp và thời khóa tu tập nghiêm ngặt của khóa thiền. Có hai lời dạy mà tôi vẫn nhớ mãi cho tới ngày nay mặc dù chúng được trích dẫn từ những vị thầy ngoài truyền thống Phật giáo Nguyên thủy, thậm chí là ngoài Đạo Phật (đây là một đặc trưng thú vị của thiền sư Joseph Goldstein khi ông có thể trích dẫn từ rất nhiều nguồn văn hóa khác nhau để minh họa cho lời dạy của mình). Trước hết là lời khuyên của Milarepa, một đại sư vĩ đại trong truyền thống Phật Giáo Tây Tạng: “Hãy vội vã một cách chậm chạp.” Vội vã ở đây có nghĩa là chúng ta cần khẩn trương tu tập, không bỏ lỡ thời gian, cơ hội dù là nhỏ bé nhất; còn chậm chạp nghĩa là luôn tu tập với một tâm trầm tĩnh và cân bằng. Cuối cùng, lời dạy của Thánh Francis de Sales sẽ giúp chúng ta luôn có động lực để tiếp tục sau mỗi lần vấp ngã:
“Hãy kiên nhẫn với tất cả mọi người, nhưng trước hết là với chính mình. Tôi muốn nói là bạn đừng thối chí, nản lòng về sự bất toàn của mình. Lúc nào cũng phải đứng dậy với lòng can đảm mới. Tôi rất mừng là bạn bắt đầu mỗi một ngày mới tinh. Bởi vì không có phương cách nào giúp cho bạn đạt đạo tốt hơn là biết khởi sự lại từ đầu, và không bao giờ tự cho rằng mình đã làm quá đủ. Làm sao bạn có thể tha thứ lỗi của người láng giềng, nếu bạn không tha thứ lỗi cho chính mình? Người nào cứ mãi bứt rứt về lỗi lầm của mình sẽ không bao giờ sửa lỗi được. Tất cả những sự sửa sai có ích đều xuất phát từ một tâm hồn bình thản, an lạc.”
Nội dung chính của cuốn sách chứa đựng tương đối đầy đủ những giáo lý cơ bản của Đạo Phật như Bát Chánh Đạo, Tứ Diệu Đế, Nghiệp Quả, Thập nhị nhân duyên, Thất giác chi, cũng rất nhiều những chỉ dẫn cần thiết cho thiền sinh trên con đường tu tập. Mặc dù bạn có thể tìm thấy những chủ đề này trong nhiều cuốn sách học thuật khác, nhưng sự khác biệt ở đây là những giáo lý đó đều được trình bày một cách dễ hiểu, thiên về thực hành dưới góc nhìn của một hành giả. Trong phạm vi của bài review này, tôi sẽ tập trung giới thiệu về hai chủ đề rất quan trọng trong thiền Đạo Phật, đó là “Chú ý đơn thuần” và “Chân Đế và Tục Đế.”
Chú ý đơn thuần
Tuy chánh niệm được coi là cốt lõi của thiền Vipassana, nhưng thiền sinh mới lại khó có thể hiểu đúng và giữ chánh niệm được liên tục. Chính vì vậy, để giúp các thiền sinh có thể nhanh chóng nắm vững phương pháp và thực hành thành công, thiền sư Joseph Goldstein nhấn mạnh vào khía cạnh quan trọng nhất của Chánh Niệm là “chú ý đơn thuần.” Những giải thích đơn giản, dễ hiểu, kèm theo những ví dụ minh họa, những lời khích lệ, giải đáp thắc mắc của thiền sư Joseph Goldstein đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong thời gian mới tìm hiểu về thiền Vipassana. Tôi tin rằng nó cũng sẽ hữu ích cho các bạn.
“Tâm ta có một phẩm tính rất quan trọng để dùng vào thiền quán. Phẩm tính này làm căn bản và nền móng cho sự giác ngộ, nó chính là chú ý đơn thuần (bare attention). Chú ý đơn thuần có nghĩa là nhìn sự vật như là nó hiện thực, nó là như vậy, không chọn lựa, không so sánh, không đánh giá, không đặt quan niệm, thành kiến của mình vào sự nhận xét. Chú ý đơn thuần là một tâm ý không phê phán và không can thiệp.”
Do chỉ quan sát mà không phản ứng, chú ý đơn thuần làm cho tâm ta tĩnh lặng, có thể ghi nhận khách quan những gì đang xảy ra mà không bị chúng cuốn đi hay sinh ác cảm. Nó cũng có thể được áp dụng với mọi đối tượng, mọi tâm trạng, mọi hoàn cảnh, giúp chúng ta sống trọn vẹn trong từng khoảnh khắc. Nó cũng nhấn mạnh cốt lõi của việc tu tập không phải là tìm kiếm một đối tượng hay một trạng thái tâm thức đặc biệt nào hết mà là duy trì sự quân bình và sáng suốt của tâm trong mọi hoàn cảnh.
“Hãy tự tại về mọi mặt, đừng để bị ràng buộc, dù bằng một sợi dây xích bằng vàng, bằng bất cứ chuyện gì xảy ra. Khi nào chúng ta kinh nghiệm được sự biến chuyển của định luật vô thường một cách sâu sắc, khi nào chúng ta trực nhận được rằng con người đang biến đổi trong từng giây phút, chừng đó ta sẽ có khả năng buông bỏ hết mọi ràng buộc, dính mắc và hòa hợp với dòng thực tại. Không còn chống cự, không còn nắm bắt và không còn ôm giữ. Chúng ta trở thành một với đạo.”
Chân đế – Tục đế
Chủ đề thứ hai “chân đế, tục đế” là một chủ đề quan trọng và nổi tiếng của Đạo Phật, nhất là trong Thiền Vipassana của Phật Giáo Nguyên Thủy. Vào lúc mới thực hành, thiền sinh có thể phát triển chánh niệm cơ bản và vẫn còn sử dụng các đối tượng dựa theo khái niệm (tục đế). Nhưng để thực sự bước vào chánh niệm Vipassana, thiền sinh cần tiến tới sử dụng các đối tượng chân đế, vượt qua khái niệm.
Vì biết tầm quan trọng của các thuật ngữ này nên tôi cố gắng tìm hiểu về ý nghĩa của chúng. Nhưng dù đã cố gắng bỏ nhiều công sức mà kết quả cũng không được bao nhiêu, vì đa số các tài liệu dùng thuật ngữ Hán Việt và diễn giải rất trừu tượng. Hơn nữa, nó còn chứa đựng một nghịch lý. Đó là tục đế là chân lý theo quy ước, nghe có vẻ thế tục và tầm thường nhưng lại thường hằng, trường tồn; còn chân đế là chân lý tối hậu, nghe thật cao quý, thoát tục thì lại vô thường, nay thế này mai thế khác. Tại sao lại như vậy?
Phải một thời gian sau, tôi mới hiểu ra rằng chân đế và tục đế chính là thực tại và khái niệm, và chúng được giảng giải rõ ràng, dễ hiểu trong cuốn 30 ngày thiền quán mà mình đã đọc từ lâu. Và nghi vấn mà tôi vẫn thắc mắc cũng được giải đáp dễ dàng. Khái niệm hay tên gọi đương nhiên là thường hằng, không thay đổi. Còn thực tại thì luôn biến động, đổi thay nên nó là vô thường. Từ đó tôi cũng hiểu ra những nhược điểm khi sử dụng thuật ngữ Hán Việt (bên cạnh những ưu điểm không thể bỏ qua của chúng), cũng như cảm thông với những người mới tìm hiểu Đạo Phật, khi phải nghiên cứu một lĩnh vực vừa thâm sâu, khó hiểu lại vừa bị bao bọc bởi một hàng rào các thuật ngữ Hán Việt, trong đó có nhiều thuật ngữ đã không còn được sử dụng và trở nên xa lạ trong ngôn ngữ hàng ngày. Đó cũng chính là vấn đề mà chúng ta gặp phải trong thiền tập và cuộc sống khi chỉ tiếp xúc được với khái niệm, với tục đế, mà chưa chạm được tới thực tại chân đế.
Mở đầu chương “Khái niệm và Thực tại,” thiền sư mô tả vấn đề nhận lầm khái niệm làm thực tại của mỗi chúng ta qua ví dụ “Hang động” nổi tiếng của triết gia người Hy Lạp Plato trong cuốn Republic. Ví dụ mô tả những người bị xiềng xích trong hang động chỉ có thể thấy những hình bóng phản chiếu trên vách hang và nhận lầm những hình ảnh đó là sự thực. Chỉ sau khi thoát ra khỏi xiềng xích và nhìn thấy sự thật, họ mới biết những điều mình tin tưởng xưa nay đều là giả tưởng. Tình trạng của chúng ta cũng tương tự như vậy. Những hình bóng giả tưởng đó giống như những khái niệm trong cuộc đời mà ta đang sống. Chúng ta bị xiềng xích bằng những đam mê, nhìn cuộc đời qua ý niệm, thành kiến có sẵn trong mình, và nhận những khái niệm này làm thực tại. Có nhiều khái niệm in dấu rất sâu trong tâm ta, đến nỗi ta không còn nghi ngờ gì nữa. Đó là các khái niệm về nơi chốn, thời gian, giới tính.
“Nhưng có lẽ khái niệm gây ảnh hưởng sâu đậm nhất, có khả năng xiềng xích ta trong hang động, giữ ta lại trong vòng sinh tử luân hồi, là khái niệm về một cái ngã, cái tôi. Ta luôn nghĩ rằng phải có một cái tôi nào đó đứng phía sau mọi hành động, mọi ý nghĩ, đó là một cá nhân có thật, trường cửu, là bản thể của con người chúng ta. … bởi vì chúng ta bị dính mắc vào ý niệm (cái tôi) này một cách quá sâu đậm, nên chúng ta bỏ hết công sức ra để bảo vệ, phô trương và phục vụ cho cái tôi tưởng tượng này. Thiền quán sẽ giúp ta thấy được cái tôi chỉ là một khái niệm, nó không có một tự thể nào, mà chỉ là một ý niệm được phóng đại lên trong giây phút hiện tại.”
Chân đế hay những tiến trình có thực đang diễn ra bây giờ và ở đây, vốn là đối tượng thực sự của thiền Vipassana, cũng chính là những gì mà Vi Diệu Pháp (Abhidhamma) nghiên cứu. Chúng chính là tâm, tâm sở, sắc pháp và Niết-bàn. Nhờ liên tục giữ chánh niệm, kinh nghiệm trực tiếp những gì đang xảy ra bây giờ và ở đây, chúng ta liên tục tiếp xúc với chân đế và làm yếu đi sợi dây xiềng xích trói buộc mình.
“Chúng ta đang dần dần tích tụ một năng lực tỉnh thức, đến khi chánh niệm và định lực phát triển, tâm ta sẽ trở nên vô cùng vững mạnh và sáng suốt. Chỉ cần kiên nhẫn, thật kiên nhẫn, rồi chúng ta sẽ kinh nghiệm được thế nào là tiến trình của thân tâm, kinh nghiệm thoát ra ngoài mọi khái niệm, không còn bị vướng mắc vào một cái tôi nào hết, bước ra khỏi hang tối, tự tại dưới ánh mặt trời của tự do và an lạc.”
Hà Nội ngày 16 tháng 4 năm 2024
Pháp Minh Trịnh Đức Vinh
TB: Với các đầu sách khác của thiền sư Joseph Goldstein, các bạn có thể thỉnh cuốn Chánh Niệm Hướng dẫn thực hành đến Giác ngộ và đọc bài review cuốn Kinh nghiệm thiền quán do mình dịch và/hoặc viết trên web https://phuongquang.net/san-pham/chanh-niem-huong-dan-thuc-hanh-den-giac-ngo/