Khi có người đến hỏi tôi kinh nghiệm đọc sách và thực hành thiền, tôi thường giới thiệu và khuyên mọi người đọc cuốn”Kinh nghiệm thiền quán” của thiền sư Joseph Goldstein. Đây là cuốn sách gối đầu giường của tôi trong suốt hơn 10 năm bắt đầu tự tìm hiểu và thực hành thiền Đạo Phật, cho đến khi tôi gặp được thiền sư thực sự đầu tiên của mình. Tôi tin rằng nó có thể giúp ích cho những người khác, giống như đã từng giúp tôi vượt qua những khó khăn ban đầu của việc thực hành thiền, đối diện và vượt qua những cơn bão cảm xúc; xây dựng những hiểu biết ban đầu về giá trị cốt lõi và mục đích của thiền tập, từ đó củng cố niềm tin giúp tôi tiếp tục tiến bước và duy trì việc hành thiền trong thời gian dài, dù không có thầy hay bạn đạo ở bên. Và điều đặc biệt là mặc dù đề cập đến nhiều vấn đề thâm sâu của việc tu học nhưng dưới ngòi bút của tác giả Joseph Goldstein và dịch giả Nguyễn Duy Nhiên, cuốn sách thực sự lại vô cùng gần gũi, hấp dẫn và dễ hiểu, đây là điều rất quan trọng với những người mới tìm hiểu về thiền hay những người quan tâm đến thực hành nhiều hơn đến lý thuyết.
Khi bạn thực sự bắt tay vào việc thực hành thiền, đủ can đảm để quan sát tâm mình hay thử cố gắng hướng tâm tập trung vào đề mục thiền, bạn sẽ nhanh chóng phát hiện ra cái tâm viên ý mã của mình bất kham như thế nào, chướng ngại trong tâm mình đa dạng và mạnh mẽ ra sao. Bạn sẽ tiếp tục hay bỏ cuộc? Nếu tiếp tục thì bạn cần phải làm gì để đối diện với cơn bão cảm xúc trong lòng mình? Làm sao để không giận dữ? Thật may mắn vì ở phần Giải thoát tâm thức trong cuốn sách, thiền sư Joseph Goldstein đã trình bày kỹ càng cách thức đối diện với những chướng ngại trong tâm, kể cả các bước thực hành chung cho mọi cảm xúc chướng ngại cũng như những hướng dẫn chi tiết và ví dụ cụ thể cho từng vấn đề một. Trước tiên, thiền sư nhắc nhở rằng việc bạn thấy những phiền não hoạt động mạnh mẽ không có nghĩa là bạn đang trở nên tồi tệ hay bất thiện hơn mà chỉ đơn giản là bạn đang phát hiện ra chúng, thấy được sự vận hành của chúng để rồi có thể tìm ra cách khiến cho chúng không còn sinh khởi hoặc yếu đi trong tương lai. Điều này giống như một tấm vải dơ khi được giặt sạch thì những vết bẩn còn lại sẽ hiện ra rõ ràng hơn. Khi hiểu ra điều này bạn sẽ không chán nản mà ngược lại sẽ có thêm niềm tin để đối diện với những phiền não trong tâm mình. Sau đó là ba bước để giải thoát những cảm xúc:
- Nhận diện chính xác mỗi cảm xúc khi nó vừa khởi lên và thấy được những sự khác biệt tinh tế của chúng, đặc biệt là những cảm xúc đi kèm, tiềm tàng bên dưới nhưng nuôi dưỡng cảm xúc đang nổi bật trên bề mặt. Ví dụ như cơn giận được đi kèm với cảm xúc nghĩ rằng mình đúng.
- Nhận diện rõ ràng và biết chấp nhận những cảm xúc khác nhau khi chúng khởi lên; phân biệt sáng suốt giữa những cảm xúc thiện và bất thiện. Công thức phân biệt này rất đơn giản: Cảm xúc hay trạng thái này của tâm sẽ gây nên khổ đau cho ta và người khác, hay tạo nên hạnh phúc và an lạc?
- Mở rộng ra với mọi cảm xúc mà không bị chúng đồng hóa, không nhận nó là mình, của mình.
Tôi nhớ mãi lời dặn của thiền sư: “Bạn có thấy được sự khác biệt giữa cái kinh nghiệm của “Tôi giận” và kinh nghiệm của “Đây là sự giận dữ” không? Trong sự khác biệt nhỏ bé ấy cả một thế giới tự do bừng mở.” Khi tôi nói cách tốt nhất để vượt qua giận dữ là thấy ra bản chất vô ngã của nó, không nhận nó là mình, có nhiều người nói rằng điều đó quá khó. Đúng là không dễ để làm như vậy, nhưng nó thực sự đáng để cố gắng và đó mới đúng là kỹ thuật của thiền vipassana.
Khi đã hiểu được cách vượt qua những chướng ngại trong tâm và có được một vài chiến thắng trước chúng, bạn sẽ hiểu được phần nào giá trị của thiền tập. Không phải là những phiền não không còn xuất hiện trở lại nữa, mà là bạn biết và đã có kinh nghiệm rằng chánh niệm hay việc hành thiền có thể giúp bạn đối diện với chúng dễ dàng hơn. Chính hiểu biết đó khích lệ tôi tìm hiểu kỹ càng hơn giác ngộ giải thoát là gì và điều đó có khả thi hay không. Đó thực sự cũng là một điều rất khó, nhưng nó cũng thực sự đáng để cố gắng, và đó mới đúng là những gì Đức Phật dạy chúng ta. “Đã hoàn tất rồi tất cả những gì cần phải được hoàn tất.” Lời cảm hứng của các tu sĩ thốt lên trong giây phút giác ngộ đã được thiền sư trích dẫn ngay từ đầu sách. Nó giúp tôi hiểu sự giác ngộ giải thoát chính là mục đích của sự tu tập, chính là điều cần phải được hoàn tất. Và nó khích lệ tôi tinh tấn vượt qua khó khăn, kiên nhẫn để vượt qua con đường dài phía trước. Ngay tiếp theo đó là lời nhắn nhủ của thiền sư: “Tôi nói với bạn một điều này, bất cứ ai trong chúng ta cũng đều làm được việc ấy, nếu ta biết phương pháp. Ta tu tập là để khám phá ra phương pháp ấy, để ta có thể tự tại và giải thoát.”
Thiền sư dành ra hai phần để trình bày về Con đường tu tập và Phương pháp tu tập giúp giải đáp thắc mắc cho người đọc hiểu cốt lõi và giá trị của việc tu tập, và sau đó là cách thức thực hành cụ thể. Điều thú vị ở đây chính là cách hành văn của thiền sư Joseph Goldstein. Ông sử dụng ngôn ngữ đời thường để diễn tả những khía cạnh thâm sâu nhất của giáo lý Đạo Phật và kinh nghiệm thiền tập, kết hợp lý thuyết với những ví dụ thực tiễn thường là từ chính kinh nghiệm hành thiền của chính mình, trích dẫn quan điểm của các trường phái khác về cùng vấn đề mà mình đang giải thích. Điều này khiến cho cuốn sách trở nên dễ hiểu, gần gũi và giúp người đọc có cái nhìn cởi mở và toàn diện hơn về những vấn đề được đề cập trong sách.
“Trên con đường tu tập chân chánh, không có vấn đề cưỡng bách hay ép buộc. Đức Phật đã vẽ rõ ràng cho ta thấy một họa đồ tổng quát của thực tại. Khi chúng ta hiểu được họa đồ ấy cặn kẽ, ta có thể tự do chọn lựa con đường nào mình muốn theo. Đơn giản lắm! Nếu chúng ta muốn được hạnh phúc, và nếu chúng ta biết được những hạt giống của hạnh phúc, thì cứ tiếp tục tưới tẩm chúng đi, rồi một ngày hạnh phúc sẽ đơm bông kết trái.”
Hai chương 5 và 6 đề cập đến hai giáo lý trọng tâm của Đạo Phật là vô ngã và nhân quả. Ở đây, thiền sư không trình bày vấn đề một cách hệ thống, chuẩn chỉnh như các cuốn sách giáo trình mà là các chia sẻ mang tính thực nghiệm và đồng cảm với những băn khoăn, thắc mắc của thiền sinh nhất là trước những câu hỏi, hoài nghi về vô ngã. “Nếu không có cái ngã thì ai là người đang cố gắng tu tập, ai tái sinh, ai nhớ, ai giận, ai yêu? Mà vô ngã thật sự có nghĩa là gì?” Ví dụ mà thiền sư đưa ra là chòm sao Vua – chòm sao quen thuộc trong thiên văn học phương Tây. Bản ngã giống như chòm sao Vua trên bầu trời, nhưng chòm sao Vua chỉ là ý niệm do chúng ta đặt ra còn “Không có chòm sao Vua nào trên trời đêm hết!” Trên thực tế không có bản ngã mà chỉ có các pháp đang vận hành theo luật nhân quả, chỉ có “những hành động mà không có người hành, những việc làm mà không có người làm.” Dưới ánh sáng của luật nhân quả, bạn sẽ thấy được Chánh niệm chính là gốc rễ của hạnh phúc trong khi Si mê là gốc rễ của đau khổ.
Trong chương 7, chương cuối cùng, thiền sư đề cập đến việc đưa thiền tập vào trong đời sống hàng ngày với hai chủ đề đáng quan tâm là tâm từ (hay tình yêu thương dành cho mọi chúng sinh) và việc chia sẻ Phật Pháp với những người xung quanh. Chánh niệm và tâm từ có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Bởi vì chánh niệm là gốc rễ của hạnh phúc nên khi thực hành chánh niệm cũng là lúc bạn đang có tâm từ với chính bản thân mình. Và trong không gian mênh mông rộng mở của chánh niệm, tâm từ và tâm bi sẽ phát sinh một cách thật tự nhiên. “Sức mạnh của Phật Pháp bắt nguồn từ việc thường xuyên tự nhắc nhở mình rằng, tình thương và trí tuệ không phải là những đức tính để ta chiêm ngưỡng nơi người khác, mà phải biết tự khai triển chúng ở nơi mình.” Khi đó, bạn sẽ tìm ra cách truyền thông hữu hiệu và chia sẻ Phật Pháp đến những người xung quanh, và thông thường thì cách truyền thông hữu hiệu đó không phải là lời nói mà là cách cư xử, thái độ của chính bạn.
Hà Nội, tháng 6 năm 2023
Pháp Minh Trịnh Đức Vinh