Chúng ta không thể diệt hết ham muốn. Mong cho chúng sinh không phải chịu khổ đau là một ham muốn. Thậm chí ham muốn vượt thoát khỏi ham muốn cũng là một ham muốn. Câu hỏi duy nhất là, chúng ta có thể ham muốn một cách hợp lý được không?
THÍCH VÀ MUỐN
Hãy tưởng tượng bạn đang ăn tối tại nhà của một người bạn và ăn ngon lành những món ăn tuyệt vời, bao gồm cả hai món tráng miệng. Sau đó, họ lại mang ra thêm một món tráng miệng nữa, đưa bạn nếm thử và hỏi: “Cậu có thích không?” Đương nhiên, bạn sẽ đáp là: “Mình thích, nó rất ngon.” Lúc đó, họ lại hỏi: “Cậu có muốn ăn một chút không?” Và bạn đáp: “Không, cảm ơn, mình thực sự no rồi!” Bạn yêu thích món tráng miệng đó, nhưng bạn không muốn ăn nó.
Bây giờ hãy tưởng tượng ai đó đang chơi ở máy đánh bạc, đặt vào một đồng xu và kéo cần gạt, lặp đi lặp lại. Tôi đã theo dõi nhiều người trong sòng bạc, họ thường trông mệt mỏi và chán nản, hầu như không tươi cười được khi thỉnh thoảng mới nhận được chút tiền thưởng. Họ buộc phải kiên gan cố chấp đến cùng nhưng không mấy vui vẻ. Họ muốn, nhưng họ không thích.
Nói cách khác, thích và muốn là những trải nghiệm riêng biệt. Chúng cũng khác biệt về mặt thần kinh. Có một ví dụ về điều này, nằm sâu bên trong hạch nền ở bên dưới vỏ não của bạn có một khu vực được gọi là vùng nhân não, vùng này chứa một nút nhỏ giúp điều chỉnh cảm giác thích một cái gì đó và một nút khác điều chỉnh cảm giác ham muốn nó.
ĐIỂM BÙNG PHÁT
Tôi sử dụng từ “ham muốn” theo một phạm vi hẹp, như một trạng thái nài nỉ, bức bách, hoặc thèm khát dựa trên cảm giác tiềm ẩn về sự thiếu thốn và bất an. Từ gốc của từ này có nghĩa là “thiếu.” Thích những thứ dễ chịu là điều tự nhiên, chẳng hạn như nhấm nháp một chút đồ ngọt tráng miệng cùng với bạn bè. Nhưng các vấn đề nảy sinh khi chúng ta chuyển từ yêu thích sang ham muốn, từ thưởng thức một bữa ăn cùng nhau sang quyết lấy cho được miếng bánh cuối cùng.
Sự chuyển đổi từ thích sang muốn đánh dấu điểm bùng phát từ vùng xanh chuyển sang vùng đỏ, từ cảm giác cơ bản về sự đầy đủ và cân bằng sang cảm giác về một thứ gì đó thiêu thiếu, một thứ gì đó sai sai. Việc nhận biết được sự chuyển đổi này ngay lúc nó xảy ra là cực kỳ hữu ích. Khi ấy, bạn có thể quay trở lại với ý thích đơn thuần, tiếp tục theo đuổi các cơ hội và tận hưởng những niềm vui mà không gia thêm sự căng thẳng vốn xuất phát từ việc ham muốn.
Có một câu ngạn ngữ rằng yêu thích mà không ham muốn chiếm giữ là thiên đường, còn ham muốn sở hữu mà không hề yêu thích lại là địa ngục. Khi bạn yêu thích thứ gì đó mà không ham muốn chiếm hữu nó, thì bạn có thể tận hưởng nó một cách trọn vẹn. Không hề có sự căng thẳng nào xung quanh trải nghiệm đó, không khăng khăng bám giữ lấy nó hay lo sợ khi nó mất đi. Trong thời khắc ấy, tồn tại sự giải thoát khỏi ham muốn. Khi đó, những trải nghiệm hữu ích của bạn có xu hướng kéo dài hơn và mang lại cảm giác thỏa mãn hơn. Điều này đương nhiên có liên quan tới các bước Làm phong phú trải nghiệm và Thẩm thấu trải nghiệm trong quá trình CHỮA LÀNH, việc này sẽ củng cố vững chắc sự cài đặt của trải nghiệm này vào trong hệ thần kinh của bạn. Chúng ta học hỏi và gặt hái được nhiều hơn từ những trải nghiệm của chính mình khi chúng ta yêu thích chúng một cách đơn thuần.
Triết gia Henry David Thoreau đã viết: “Tôi tự giúp bản thân mình trở nên giàu có bằng cách giảm thiểu những ham muốn của chính mình.” Có rất nhiều lợi ích trong việc tập trung vào ý thích mà không cần phải có ham muốn trong đó. Nhưng điều này thường tạo ra rất nhiều thách thức. Chủ nghĩa tiêu dùng là một tác nhân của các nền kinh tế hiện đại, và đôi khi có vẻ như những bộ óc vĩ đại nhất của thế hệ chúng ta đang bận rộn nghĩ ra những cách hiệu quả hơn bao giờ hết để kích thích ham muốn. Hơn nữa, cho dù chúng ta tắt tivi, thoát ra khỏi các phương tiện truyền thông xã hội, và không bao giờ đi bộ qua một trung tâm thương mại, thì chúng ta vẫn có một bộ não được thiết kế để ham muốn những gì nó yêu thích.
HAM MUỐN NHIỀU HƠN NỮA
Các khuynh hướng bẩm sinh của tâm – bản chất con người của chúng ta — là kết quả của hàng trăm triệu năm định hình bộ não. Cạnh tranh với những người khác để giành giật nguồn tài nguyên khan hiếm, tổ tiên của chúng ta đã tiến hóa các hệ thống tạo động lực có chức năng thúc đẩy họ theo đuổi mãnh liệt các mục tiêu quan trọng như thức ăn hoặc tình dục. Điều này đã có nhiều hữu ích đối với sự sống còn, nhưng một trong những hệ quả ngày hôm nay của nó là sự tồn tại một kiểu cơ quan quảng cáo bên trong luôn cố gắng thúc đẩy bạn bằng cách thường xuyên thổi phồng quá mức viễn cảnh tươi đẹp nếu bạn đạt được điều mình ham muốn.
Khi bạn cân nhắc các lựa chọn khác nhau, mong chờ một sự kiện, hoặc suy nghĩ về một mục tiêu cụ thể, hãy chánh niệm về những phần thưởng trông đợi mà tâm của bạn đang dự đoán. Sau đó ghi nhận xem những phần thưởng thực tế hóa ra lại là gì. Đa phần những kết quả đạt được thường ít hơn những gì đã hứa hẹn. Ngoài ra, ngay cả khi trải nghiệm thực tế đáp ứng đúng kỳ vọng, thì nó rốt cuộc rồi cũng kết thúc.
Một bữa ăn ngon, chiếc áo len mới trông tuyệt đẹp, cảm giác hài lòng khi hoàn thành xuất sắc dự án. Nhưng rồi trải nghiệm này cũng phai nhạt dần đi. Giờ thì sao nào?
Những kết quả trông đợi thường xuyên gây thất vọng. Ngay cả những trải nghiệm tuyệt vời nhất cũng vô thường. Hai sự thật này có thể gây ra một cảm giác thường trực rằng còn thiêu thiếu một cái gì đó, còn ham muốn một cái gì đó. Điều này thúc đẩy chúng ta tiếp tục tìm kiếm đối tượng hấp dẫn tiếp theo, trải nghiệm tiếp theo.
Thậm chí khi bạn cảm thấy thoải mái, không có vấn đề gì cần giải quyết và không cần bất cứ điều gì khác, hãy xem liệu bạn có thể nhận thấy một kiểu ham muốn tự động ngủ ngầm trong tâm mình hay không: một sự rà soát diễn ra liên tục nhằm tìm kiếm một thứ gì đó mới mẻ để ham muốn ngay cả khi bạn đã hài lòng rồi. Khuynh hướng này có thể đã phát triển nhằm thúc giục tổ tiên của chúng ta trong việc tìm kiếm và phát hiện ra những cơ hội mới. Nhưng gắn liền với ham muốn tự động này cũng là một cảm giác bất an tiềm ẩn và một cảm giác vi tế rằng thời điểm này, hay bất kỳ thời điểm nào khác, không bao giờ thỏa mãn một cách trọn vẹn như nó đang là.
Sự thèm khát mãnh liệt điều kế tiếp kéo chúng ta rời khỏi việc coi trọng giá trị của những gì chúng ta đang có và luôn hướng tới việc ham muốn những gì chúng ta không có. Thật chua xót khi chúng ta có thói quen tìm kiếm sự toại nguyện với một tư duy bị sự bất toại nguyện che mờ, điều này khiến cho hạnh phúc viên mãn luôn nằm ngoài tầm với.
YÊU THÍCH MÀ KHÔNG HAM MUỐN
Để tận hưởng cuộc sống với sự yêu thích chứ không phải là ham muốn sở hữu, thì các phương pháp dưới đây là thực sự hiệu quả.
CHÁNH NIỆM VỀ CẢM THỌ
Nhận biết cảm giác mà những trải nghiệm này mang lại là dễ chịu, khó chịu, hay là trung tính. Đây chính là sắc thái cảm xúc của chúng. Chúng ta yêu thích và tiếp cận những thứ có cảm giác dễ chịu, ghét bỏ và tránh né những thứ gây cảm giác khó chịu, và phớt lờ hoặc bỏ qua những thứ trung tính. Ngoài ra, bạn cũng nên nhận biết sắc thái cảm xúc về những thứ khác nhau mà bạn tưởng tượng mình đang làm, chẳng hạn như lên kế hoạch cho một cuộc họp, suy nghĩ về cách thức vượt qua một cuộc trò chuyện khó khăn, hoặc quyết định liệu có nên mua thứ gì đó hay không.
Chúng ta có xu hướng chuyển nhanh sang ham muốn những thứ đem lại cảm thọ dễ chịu. Do đó, chánh niệm về các cảm thọ từ những trải nghiệm của bạn tạo nên một không gian giữa sự dễ chịu của một trải nghiệm với bất kỳ ham muốn nào liên quan đến nó. Trong không gian đó, bạn có một lựa chọn trước trải nghiệm đó, chứ không phải ngay lập tức tự động chuyển sang sự ham muốn.
KHÁM PHÁ SỰ YÊU THÍCH ĐƠN THUẦN
Hãy xem cảm giác khi thích thú một cái gì đó khác biệt rõ ràng ra sao so với việc ham muốn nó. Nhận biết một cảm giác thư thái trong cơ thể của bạn. Quan sát xem các suy nghĩ của bạn vẫn cởi mở và linh hoạt như thế nào. Ghi nhận rằng bạn có thể thích thú một cái gì đó mà không cần bổ sung sự thúc ép đầy căng thẳng của ham muốn chiếm hữu nó.
Hãy làm quen với cảm giác vui vẻ — thưởng thức một bữa ăn, cười đùa với bạn bè — trong khi buông bỏ mọi ham muốn về nó. Lặp lại cách thực hành này thường xuyên với những thứ bạn yêu thích để nó ngày càng trở nên tự nhiên đối với bạn.
KHÁM PHÁ TRẢI NGHIỆM VỀ HAM MUỐN
Trong suốt một ngày, hãy chánh niệm về sự chuyển đổi từ thích thú một cái gì đó sang hết sức ham muốn nó. Nhận biết về “ham muốn tự động” ngủ ngầm trong tâm bạn, liên tục tìm kiếm thứ gì đó mới mẻ để thèm muốn ngay cả khi bạn đã cảm thấy thỏa mãn rồi. Hãy nhận diện những kiểu chào hàng từ công ty quảng cáo bên trong bạn như: “Nó sẽ có cảm giác rất tuyệt.” “Đừng lo, chỉ thêm một lần nữa thôi.” “Chẳng ai biết đâu.” “Sẽ rất là vui.” Sau đó, khi bạn thực sự trải nghiệm những gì minh đã ham muốn, hãy ghi nhận khi nó không tuyệt vời như đã hứa hẹn lúc đầu.
Hãy hình dung có một loại bảng điều khiển ở bên trong và hãy chú ý khi những đèn đỏ thể hiện sự ham muốn bắt đầu nhấp nháy trên đó. Nhận biết các “hương vị” khác nhau của ham muốn. Ví dụ, chánh niệm xem cảm giác cấp bách, áp lực, ràng buộc, khăng khăng, đòi hỏi, bắt buộc, thèm muốn, hoặc nghiện ngập là như thế nào. Tạm thời dừng lại và quan sát các yếu tố của một trải nghiệm về sự ham muốn: các suy nghĩ và hình ảnh, cảm giác trên cơ thể, cảm xúc, nét mặt, tư thế, và hành động. Ghi nhận ham muốn mang lại cảm giác khác biệt rõ ràng so với yêu thích như thế nào.
Nhận thức rằng ham muốn cũng là một trải nghiệm như bất kỳ trải nghiệm nào khác, được cấu thành từ nhiều phần liên tục sinh khởi rồi hoại diệt. Cố gắng nhìn nhận các trải nghiệm của ham muốn giống như những đốm mây lác đác trôi qua bầu trời rộng lớn của sự nhận biết. Lúc đó, chúng sẽ không còn sức thuyết phục và hấp dẫn đối với bạn.
Ghi nhận sự xuất hiện của áp lực, đeo bám, khăng khăng cố chấp, và những yếu tố khác của sự ham muốn. Ngoài ra, hãy chú ý đến những lời thuyết phục và đôi khi là thao túng của những người khác đang cố gắng khiến bạn ham muốn mọi thứ — thường là vì lợi ích của chính họ chứ không phải là của bạn.
Bài viết trích từ cuốn sách Kham nhẫn của Tiến sĩ tâm lý học thần kinh Rick Hanson.