Thiền và cuộc sống

Sức ép của việc nuôi dạy con cái

(trích Sao phải lo lắng!, tác giả: HT K. Sri. Dhammananda,

dịch giả: Pháp Minh Trịnh Đức Vinh)

Hầu hết các bậc cha mẹ đều yêu thương và chiều chuộng con cái. Đúng như lý tưởng, chúng ta có thể nói rằng không có bậc cha mẹ yêu thương và hy sinh nào lại không chuẩn bị để tạo dựng hạnh phúc và thịnh vượng cho con cái. Song tiếc thay, những ảnh hưởng và sức ép vật chất hiện đại giờ đây đang tạo ra gánh nặng lớn hơn bao giờ hết lên tình cảm cha mẹ – con cái. Thậm chí gánh nặng đó còn đe dọa phá vỡ cấu trúc xã hội cơ bản nhất này [gia đình] – điều đã tồn tại từ trước cả buổi đầu của thời đại văn minh.

Có nhiều nguyên nhân gây nên điều này. Trước hết, mô hình kinh tế trong suốt hai trăm năm qua đã thay đổi mạnh mẽ từ nông nghiệp sang công nghiệp. Đâu còn nữa cảnh cả gia đình hoạt động như một đơn vị kinh tế trên ruộng đồng. Các bậc cha mẹ giờ đây làm việc xa con cái và chỉ trở về nhà sau giờ làm. Bản chất công việc đòi hỏi họ phải đúng giờ và họ được đền đáp theo sự hoàn thành công việc của mình. Trong thời kỳ suy thoái kinh tế, họ rơi vào tình huống nguy hiểm là bị sa thải hoặc bị giảm lương; do đó, họ sẵn sàng làm việc nhiều giờ hơn và được trả lương thấp hơn để giữ lấy công việc. Điều này tạo ra sức ép lớn lên cuộc sống gia đình.

Trẻ em chịu áp lực trước một loạt mong ước, các kiểu ăn mặc và nhu cầu theo bạn bè ở trường học hoặc những hoạt động khác được khắc họa bởi các chương trình quảng cáo trên những phương tiện truyền thông đại chúng mà trẻ em đang bị buộc phải tiếp xúc. Thêm vào đó, các bậc cha mẹ đôi khi bị chính những đứa con hay chỉ trích của mình, những đứa trẻ được giáo dục tốt hơn cha mẹ, đánh giá. Và các bậc cha mẹ thậm chí còn không có nhiều quan điểm chung với con cái mình để có được một cuộc nói chuyện đơn giản. Sự rạn nứt này giữa cha mẹ và con cái được gọi là khoảng cách thế hệ.

Mô hình xã hội mới tạo ra sức ép rất lớn lên các bậc cha mẹ khiến đa phần họ dường như không thể giải quyết được những nhu cầu tâm lý do những thay đổi về xã hội này mang lại. Bên cạnh tất cả những điều này, hai cuộc đại thế chiến trong thế kỷ trước đã gây ra những trải nghiệm khủng khiếp mà đa phần mọi người phải trải qua và khiến cho các quốc gia thay đổi quan điểm của mình về một Chúa Trời nhân từ quan tâm tới tất cả chúng sinh được Người tạo nên. Trong thời đại khoa học và công nghệ này, người ta đã phát hiện ra rằng những khái niệm được nhiều tôn giáo truyền bá này mâu thuẫn với những trải nghiệm riêng của con người và các khám phá của khoa học hiện đại. Vừa mới năm mươi năm trước, câu châm ngôn “Gia đình cùng nhau cầu nguyện, cùng nhau chung sống” đã trở nên lạc hậu một cách tuyệt vọng – thậm chí chúng ta không thể nói “Gia đình cùng nhau ăn cơm” được nữa – bởi đã có quá nhiều thay đổi trong cách sinh hoạt của con người trên thế giới này.

Tại hầu hết các thành thị, ít nhất một bộ phận không nhỏ những bậc cha mẹ có sự quyết tâm và nhiều kỳ vọng thế tục cảm thấy giày vò về sự thất bại hoặc không thỏa đáng nếu con cái không sống theo ý họ. Sự thành đạt về vật chất và việc ghi điểm trước bạn bè và hàng xóm được chú trọng, trong khi các giá trị tinh thần bị bỏ mặc một cách đáng buồn. Tiếc thay, chính con trẻ lại trở thành nạn nhân của những sức ép tâm lý này khi chúng được khuyến khích trở nên vượt trội trong học tập, tìm những việc làm được trả lương hậu hĩnh, leo cao trên nấc thang xã hội và tích lũy càng nhiều tài sản càng tốt. Đa phần các bậc cha mẹ không đặt quá nhiều giá trị vào những đức hạnh như lòng biết ơn, sự trung thực, tính liêm chính, lòng tốt, sự chín chắn và sự khoan dung, nhẫn nại. Đối với họ, việc theo đuổi sự giàu có và các thành công thế tục trở nên quan trọng hơn nhiều.

Do những sức ép xã hội như vậy nên các bậc cha mẹ, dù đúng dù sai đều không nghĩ gì đến hậu quả, đã khuyến khích và thậm chí ép buộc con cái làm việc chăm chỉ cũng như ganh đua vì cái gọi là “sự thành công”.

Và lẽ tự nhiên khi các bậc cha mẹ thấy những đặc tính của riêng mình được phản ánh ở con cái. Do đó, họ áp đặt các hệ thống giá trị của mình lên con trẻ – những đứa trẻ đang chịu áp lực phải trở nên thông minh, được ngưỡng mộ và vượt trội. Trẻ em được nhồi nhét rằng thành công nghĩa là khả năng để ganh đua, chinh phục và đàn áp đối thủ, trong khi bỏ qua nhu cầu thiết lập một sự hài hòa nội tại với chính bản thân mình.

Ở môi trường thành thị điển hình, dù trẻ em có thích hay không, chúng vẫn được kỳ vọng tham gia các lớp học về máy vi tính, âm nhạc, ba-lê, bơi lội, v.v… dưới niềm tin sai lầm rằng những hoạt động này là rất quan trọng để được thành công và hạnh phúc. Không có gì sai trong việc theo đuổi các hoạt động lành mạnh này nếu trẻ em thấy thích thú, có những năng lực cần thiết [cho hoạt động đó], hoặc nếu chúng có ý nghĩa trong việc làm phong phú thêm sự nhận biết của trẻ về bản thân và thế giới xung quanh. Bên cạnh đó, không ai có thể phủ nhận rằng các hoạt động và tài năng văn hóa là cần thiết để khiến con người trở nên văn hóa hơn. Một sự hiểu biết phong phú hơn về vẻ đẹp của cuộc sống nên giúp cho trẻ trở nên hiểu biết hơn, biết thương cảm hơn và biết tán thưởng vẻ đẹp của thiên nhiên quanh mình. Tuy nhiên, trong việc học kỹ năng này, không nên ép buộc trẻ hoặc lãng quên toàn bộ mục tiêu của việc đạt được những kỹ năng này là gì. Mục đích là tăng chất lượng sống của trẻ mà không phải để phô trương trẻ trước những người hàng xóm. Không được phép có một sự ép buộc nào.

 Quan trọng là phải phân biệt được giữa cái cần và cái không cần. Thành công và hạnh phúc không chỉ nằm mỗi ở việc nắm giữ những tài năng. Các bậc cha mẹ không nên đặt lên con trẻ những sức ép không cần thiết – để thông minh vượt trội hơn khả năng của chúng, để trở thành lãnh đạo khi chúng không sẵn sàng lãnh đạo, hoặc để trở thành ngôi sao điền kinh khi chúng không có các tố chất thể thao. Và kết quả từ những mục tiêu không tưởng đó chính là những đứa trẻ sớm bị ép buộc vào một thế giới đầy sức ép và trách nhiệm của người lớn. Hậu quả là chúng trở nên mệt mỏi và bơ phờ hoặc giận dữ và thất vọng. Chúng không có khả năng hưởng thụ cuộc sống vô tư của tuổi thơ. Những áp lực này cũng gây ra hệ quả không mong muốn của việc gia tăng cảm giác bất an ở tuổi trưởng thành. Nói tóm lại, các bậc cha mẹ hãy chống lại sự cám dỗ trao truyền tham vọng của mình lên con cái và cướp đi tuổi thơ của chúng.

Related Posts