Chánh niệm có thể đóng vai trò gì trong việc phòng ngừa?
Susan Bauer-Wu: Tôi thấy ba lĩnh vực bao trùm mà chánh niệm có thể hỗ trợ trong việc phòng ngừa đó là: giảm căng thẳng, chẩn đoán sớm và lựa chọn lối sống lành mạnh.
Chúng tôi biết có mối liên hệ rõ ràng giữa căng thẳng và bệnh tật. Bệnh cấp tính, chẳng hạn như nhiễm trùng đường hô hấp trên hoặc khó chịu đường tiêu hóa, thường trở nên trầm trọng hơn hoặc bị khởi phát do căng thẳng. Chúng ta biết rằng chánh niệm và các biện pháp can thiệp liên quan làm giảm phản ứng căng thẳng và giúp người ta ít mắc các bệnh nhiễm trùng và các bệnh cấp tính này hơn. Có nhiều nghiên cứu ủng hộ tác động này, bao gồm cả một nghiên cứu mà Jon đã tham gia cho thấy mức độ kháng thể tăng lên sau khi thực hành chánh niệm.
Về các bệnh mạn tính — từ ung thư đến tim mạch, tiểu đường và bệnh tự miễn dịch — tất cả chúng đều có thành phần gây viêm, và chứng viêm và căng thẳng đều có liên quan mật thiết. Chúng tôi đang chứng minh thông qua các nghiên cứu cho thấy thực hành chánh niệm có tác động đến các quá trình viêm nhiễm trong cơ thể. Có thể hình dung, nếu bạn bắt đầu những phương pháp này sớm hơn, bạn có thể ngăn ngừa một số bệnh mạn tính nghiêm trọng liên quan đến viêm.
Về chẩn đoán sớm, nhiều người chưa thực sự hòa hợp với cơ thể mình nên không để ý khi có điều gì bất thường. Cơ thể của họ có thể đang cảnh báo họ về điều gì đó cần được kiểm tra, nhưng họ không thực sự chú ý đến cách sống và những gì đang xảy ra trong cơ thể của họ. Với chánh niệm, họ có thể nhận ra điều bất thường sớm hơn, khi nó có thể được chẩn đoán ở giai đoạn sớm hơn.
Về lựa chọn lối sống lành mạnh, chúng ta có thể liên tưởng đến sự tương tự với việc bỏ súng trong ví dụ của Dan. Khẩu súng này có thể là một điếu thuốc, một mẩu bánh khác, hoặc hành động cố gắng làm việc đến mức mệt mỏi, kiệt sức. Chánh niệm có thể giúp bạn nhận ra những gì cơ thể cần và giúp bạn có những lựa chọn lối sống tốt. Vì vậy, trong tất cả các khía cạnh, chánh niệm thực sự có thể giúp ngăn ngừa bệnh tật.
Daniel Siegel: Ngoài những gì hữu ích đối với cơ thể, cách sống chánh niệm hỗ trợ một tâm trí khỏe mạnh và các mối quan hệ có tính thấu cảm hơn. Ba khía cạnh đó — cơ thể, tâm trí và mối quan hệ — là ba khía cạnh chính của trải nghiệm con người mà một dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tổng hợp cần phải quan tâm. Lòng trắc ẩn dành cho chính mình và lòng trắc ẩn đối với những người khác được tăng cường nhờ cách sống có chánh niệm. Những điều này rất hữu ích đối với những người đang điều trị, đó là một quá trình liên quan đến những mối quan hệ với các thành viên gia đình, bạn bè và đồng nghiệp, cũng như những người chăm sóc và quản lý sức khỏe.
Chánh niệm có thể giúp ích như thế nào trong các giai đoạn chẩn đoán và điều trị bệnh tật?
Susan Bauer-Wu: Trong giai đoạn đầu, sau khi một người nào đó được chẩn đoán mắc bệnh hiểm nghèo, sẽ có một giai đoạn không chắc chắn rất dữ dội. Tất nhiên, có sự không chắc chắn trong toàn bộ quỹ đạo từ chẩn đoán đến điều trị và chữa khỏi hoặc chăm sóc giảm nhẹ, nhưng ngay từ đầu đã có rất nhiều câu hỏi trong tâm trí mọi người. Việc tâm trí chuyển sang tình huống xấu nhất và xoay chuyển toàn bộ câu chuyện về những gì sắp xảy ra là điều rất bình thường. Thực hành chánh niệm giúp con người hiểu được điều gì là đúng với họ ngay lúc này. Nó giúp họ thoát ra khỏi câu chuyện, tập trung hơn và ít bị choáng ngợp hơn. Nó cũng làm tăng khả năng giao tiếp hiệu quả của họ với người chăm sóc và giúp người chăm sóc giao tiếp tốt hơn với họ.
Trong giai đoạn điều trị ung thư bằng xạ trị, hóa trị hoặc phẫu thuật, có rất nhiều triệu chứng cơ thể khác nhau, từ đau đớn đến buồn nôn, ngứa ngáy đến tiêu chảy. Thực hành nhận thức thân-tâm giúp mọi người vượt qua một loạt những triệu chứng vốn liên tục thay đổi này.
Jon Kabat-Zinn: Một trong những lý do khiến hệ thống chăm sóc sức khỏe của chúng ta bị phá vỡ là chúng ta cần sự tham gia nhiều hơn từ những người đang đau khổ. Chánh niệm có thể giúp bạn đóng một vai trò tích cực hơn đối với sức khỏe và việc chữa bệnh của chính mình.
Bạn không phải là một chiếc máy được mang đến cửa hàng để sửa chữa hoặc điều chỉnh. Tốt nhất là bạn có thể bắt đầu tham gia vào việc chăm sóc sức khỏe của chính mình càng sớm càng tốt. Bắt đầu từ thời thơ ấu bằng cách học thực hành chánh niệm trong trường học sẽ đưa mọi người vào con đường dẫn đến một mối quan hệ lành mạnh hơn nhiều đối với cơ thể và cảm xúc của họ. Điều đó lành mạnh hơn nhiều so với chế độ mặc định, nơi bạn chỉ hy vọng điều tốt nhất và coi cơ thể ít nhiều như một chiếc ô tô mà bạn lái vào bệnh viện để sửa chữa khi nó bị hỏng.
Sự tham gia của bạn vào quá trình này là quan trọng vì nhiều lý do. Ngoài nhận thức về lối sống và tình trạng cơ thể và tâm trí của bạn, như Susan và Dan đã nói, một khi bạn đã được chẩn đoán, điều quan trọng là bạn có thể thương lượng với bác sĩ về các lựa chọn điều trị. Có rất nhiều con đường tiềm năng mà bạn có thể bước trên, và bạn cần phải có nhiều sự can thiệp nhất có thể trong tình huống đó. Một lý do đó là, nó mang lại sự yên tâm nhất định khi bạn là một người tham gia tích cực chứ không phải là một người thụ động điều trị.
Điều này nói lên một cách hành nghề hoàn toàn khác là tăng cường những nội lực của người bệnh trong quá trình điều trị. Đó là những gì MBSR được thiết kế để sử dụng. Hiện đã có hơn 31 năm minh chứng cho thấy chương trình có thể tạo ra sự khác biệt đáng kể trong mối quan hệ của mọi người với bệnh tật của họ và cách nó phát triển. Nếu bạn tiến hành xạ trị, hóa trị hoặc phẫu thuật với sự nhận thức và chánh niệm tốt hơn, điều đó sẽ tạo ra sự khác biệt rất lớn. Ngoài ra, khi bạn chấp nhận nhiều hơn những gì đang diễn ra trong thời điểm hiện tại, bạn sẽ giảm bớt sự kháng cự và có thể là người tham gia đầy đủ chứ không chỉ là bệnh nhân xạ trị và hóa trị. Đôi khi bạn thậm chí cần ít thuốc mê hơn nếu bạn đang chánh niệm.
Daniel Siegel: Bạn rất dễ phủ nhận về sự thay đổi của cơ thể, cho dù đó là sự thay đổi trong chức năng đường ruột, khối u ở vú hay nhịp thở không đều, tất cả đều có thể cho thấy sự khởi phát của bệnh. Nhiều người tránh đến bác sĩ ngay cả khi kiểm tra sức khỏe thường xuyên vì sợ những gì họ có thể phát hiện ra. Khi chúng ta không còn suy nghĩ mà chỉ miệt mài làm việc theo lối mòn, giống như việc vận hành theo chế độ lái tự động, chúng ta có xu hướng tránh những điều có thể làm phiền lòng.
Một trong những yếu tố của nghiên cứu về Giảm Căng Thẳng Dựa Trên Chánh Niệm mà tôi thấy ấn tượng nhất là công trình mà Richie Davidson và Jon đã thực hiện cho thấy rằng ngay cả sau một khóa học MBSR kéo dài tám tuần, một “sự dịch chuyển sang trái” đã được ghi nhận, trong đó hoạt động phần trán bên trái của não được tăng cường. Sự thay đổi điện trong chức năng não này được cho là phản ánh việc nuôi dưỡng “trạng thái tiếp cận,” trong đó chúng ta hướng tới, chứ không phải là tránh xa, một hoàn cảnh khó khăn bên ngoài hoặc chức năng tâm thần bên trong như một suy nghĩ, cảm giác hoặc ký ức. Trạng thái tiếp cận như vậy có thể được coi là cơ sở thần kinh cho khả năng phục hồi. Với cách sống có chánh niệm, bạn đã phát triển kỹ năng của mình để luôn hiện diện với những gì bạn có thể cố gắng thoát khỏi. Từ quan điểm đó, chẩn đoán sẽ được nâng cao, bởi vì sự phủ nhận sẽ được khắc phục. Nếu bạn nghĩ về nó, đây là tâm trí đang làm những gì có ích nhất cho tâm trí và thể chất. Việc phớt lờ là thích nghi không tốt.
Cũng được bao hàm trong cách sống có chánh niệm là cơ chế cảm giác mà chúng ta gọi là “nhận thức nội thân” – nhận thức về trạng thái cơ thể bên trong của bạn. Khả năng nhận thức nội thân tăng lên tương quan với hoạt động của một phần não được gọi là thùy đảo bên phải, nằm ở vùng giữa trước trán mà chúng ta đã thảo luận trước đó. Khu vực này đã được chứng minh là được kích hoạt bởi các thực hành nhận thức có chánh niệm. Ngoài ra, hai nghiên cứu của Harvard và UCLA cho thấy những thay đổi về cấu trúc ở thùy đảo trước bên phải cho thấy rằng việc thường xuyên thực hành chánh niệm dẫn đến những thay đổi về kết nối cấu trúc trong hệ thần kinh, điều này sẽ cho thấy sự gia tăng khả năng cảm nhận bên trong.
Jon Kabat-Zinn: Chúng tôi đã thực hiện một nghiên cứu trên những người bị bệnh vẩy nến, một bệnh ngoài da là sự tăng sinh không kiểm soát của tế bào ở lớp biểu bì. Chúng tôi đã chứng minh rằng làn da của những người ngồi thiền trong khi họ đang được điều trị bằng tia cực tím sẽ lành nhanh hơn 4 lần so với những chỉ sử dụng tia cực tím trong điều trị. Đó là một ví dụ về một nghiên cứu cho thấy sự nhận thức ở thời điểm hiện tại có thể tạo ra sự khác biệt sâu sắc như thế nào trong quá trình chữa bệnh. Vì bệnh vẩy nến và ung thư biểu mô tế bào đáy có chung các gen giống nhau mặc dù không quá liên quan, nên có thể tâm trí có thể điều chỉnh theo cách này hay cách khác, thậm chí cả quá trình gây ung thư cũng đang diễn ra. Chúng tôi không biết, nhưng chắc chắn sẽ có giá trị khi nghiên cứu về điều đó.
Chúng ta đã thảo luận về chánh niệm và sức khỏe từ quan điểm của bệnh nhân. Những thực hành chánh niệm và nhận thức có thể đóng vai trò gì đối với người chăm sóc?
Daniel Siegel: Có những dấu hiệu cho thấy thực hành chánh niệm có thể rất có lợi cho bác sĩ, y tá và những người chăm sóc khác. Một nghiên cứu của Krasner và Epstein cho thấy rằng việc dạy các bác sĩ chăm sóc sức khỏe ban đầu thực hành chánh niệm giúp giảm sự kiệt sức và duy trì sự thấu cảm. Nghiên cứu của Shauna Shapiro trên các sinh viên y khoa cho thấy rằng việc dạy họ thực hành chánh niệm làm tăng khả năng thấu cảm của họ và một bác sĩ lâm sàng thấu cảm có thể có tác động mạnh mẽ đến hạnh phúc của bệnh nhân. Một nghiên cứu được thực hiện tại Trường Y khoa và Y tế Công cộng thuộc Đại học Wisconsin – Madison cho thấy rằng các bác sĩ chăm sóc sức khỏe thấu cảm dường như có thể rút ngắn thời gian bị cảm lạnh thông thường ở bệnh nhân và tăng cường hệ thống miễn dịch của họ.
Khi tôi được đào tạo như một bác sĩ, chúng tôi không được dạy về những thứ như lắng nghe hay thấu cảm. Ngay cả khi bạn đã có những sinh viên y khoa thấu cảm ngay từ đầu, vào thời điểm trải nghiệm xã hội hóa của trường y được thực hiện, phần lớn nó đã bị loại bỏ khỏi họ. Chánh niệm có thể đóng vai trò như một liều thuốc giải độc cho những áp lực đáng kinh ngạc mà các bác sĩ lâm sàng trẻ phải chịu đựng. Họ sẽ được hưởng lợi từ việc học các kỹ năng giúp duy trì khả năng phục hồi bên trong, để họ có thể duy trì một tấm lòng cởi mở, từ bi, dễ đón nhận đối với bệnh nhân của họ trong khi đồng thời chăm sóc chính bản thân họ.
Nó giống như hướng dẫn trên máy bay về việc cần đeo mặt nạ dưỡng khí của chính bạn trước và sau đó giúp những người khác đeo mặt nạ của họ. Chúng tôi không đưa mặt nạ dưỡng khí cho những bác sĩ lâm sàng này. Có thể hiểu được rằng họ bị choáng ngợp và chán nản, và thường cảm thấy tuyệt vọng. Họ không biết phải làm gì với thế giới cảm xúc của chính mình nên cứ rút lui. Ai cũng đau khổ vì điều đó.
Susan Bauer-Wu: Tôi chân thành nhất trí. Và tôi muốn nói thêm rằng sức khỏe của chính họ bị ảnh hưởng bởi sự căng thẳng. Khi các y tá bị kiệt sức, họ thường bị ốm và không thể đến làm việc. Điều đó trở thành gánh nặng cho hệ thống chăm sóc sức khỏe. Những người chăm sóc chuyên nghiệp cũng ít chú ý hơn khi họ bị ốm và kiệt sức. Các sai phạm xảy ra và giảm độ an toàn tổng thể. Bệnh nhân gặp rủi ro và thiệt hại gia tăng.
Tôi tin rằng các bác sĩ và y tá thực hành chánh niệm là những nhà chẩn đoán tốt hơn. Họ nhạy cảm hơn với những điều tế nhị của toàn bộ con người, không chỉ là các triệu chứng thể chất mà bệnh nhân xuất hiện tại thời điểm hẹn khám. Một số đồng nghiệp của tôi và tôi đã làm việc với ý tưởng “sự im lặng từ bi.” Thực hành chánh niệm và từ bi có thể giúp bác sĩ lâm sàng hiện diện trọn vẹn và rộng rãi trong thời gian hạn hẹp mà họ phải gặp bệnh nhân. Các bác sĩ và y tá thường không được dạy làm thế nào để có thể cảm thấy ổn trong im lặng. Khi một bác sĩ lâm sàng học cách hiện diện với bất cứ điều gì đang phát sinh, thay vì cố gắng sửa chữa nó, đẩy nó đi, chạy ra khỏi phòng hoặc suy ngẫm về điều cấp bách tiếp theo mà họ phải làm, thì đó chính là chữa bệnh sâu sắc cho bệnh nhân. Chúng tôi cũng biết rằng các bác sĩ lâm sàng cũng thấy những trải nghiệm đó là những điều bổ ích nhất.
Jon Kabat-Zinn: Cho đến mãi gần đây, các bác sĩ vẫn chưa được đào tạo về cách tương tác với một người khác đang đau khổ, người đang hoảng loạn và không hiểu rõ chuyện gì đang xảy ra. Những lợi ích tiềm năng cho cả bệnh nhân và bác sĩ của việc nuôi dưỡng sự hiện diện và sự im lặng thấu cảm đó — và có lẽ thể hiện sự im lặng như một cách tồn tại — là quan trọng đến khó tin.
Cũng là hữu ích đối với các bác sĩ nếu có sự khiêm tốn khi biết rằng họ không thể ngay lập tức chữa trị mọi thứ. Có rất nhiều thứ không thể chữa trị trong y học. Mặc dù sẽ thật tuyệt vời nếu có nhiều phương pháp chữa trị hơn — và nhiều nghiên cứu hơn chắc chắn sẽ mang lại nhiều phương pháp chữa trị hơn trong tương lai — việc chữa bệnh luôn có thể thực hiện được, ngay cả khi không chữa khỏi.
Nếu chúng ta giúp bệnh nhân của mình tham gia vào quá trình tăng cường sức khỏe và hạnh phúc, đồng thời đối mặt với bất kỳ bệnh tật nào mà họ có thể gặp phải bằng lòng từ bi dành cho bản thân và trí tuệ, hệ thống y tế sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí. Bạn sẽ không đưa ra những cách chữa bệnh không thực sự hiệu quả cho những người thực sự không cần chúng. Nhưng hệ thống của chúng ta vẫn tiếp tục làm điều đó theo một kiểu tuyệt vọng.
Có thể nói, sẽ tạo ra một sự khác biệt to lớn nếu chánh niệm được giảng dạy cho nhiều đối tượng, có thể nói là, trước khi mọi người gặp tình trạng nghiêm trọng cần phải phẫu thuật hoặc nằm viện dài ngày. Các bệnh viện và trung tâm y tế của chúng ta có tiềm năng trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe tích hợp. Nếu những bệnh nhân và bác sĩ của họ được tiếp cận với khóa đào tạo chánh niệm, nó có thể làm sống lại chiều kích thiêng liêng của mối quan hệ bác sĩ – bệnh nhân dựa trên các nguyên tắc Hippocrate. Nó có thể di chuyển điều trị theo hướng chữa lành toàn bộ con người hơn là chữa trị các bộ phận cơ thể. Bệnh nhân sẽ được tham gia như một phần quan trọng của quá trình, bác sĩ sẽ hạnh phúc hơn, y tá sẽ hạnh phúc hơn và ban giám đốc bệnh viện sẽ hạnh phúc hơn. Nó sẽ giảm được rất nhiều chi phí.
Daniel Siegel: Chánh niệm là một phần của khung lớn hơn nhiều mà xã hội phải hướng tới: chấp nhận tầm quan trọng của các mối quan hệ của chúng ta với nhau và thấy rằng tâm trí, mặc dù nó không thể đo lường được như những thứ vật chất, nhưng thực sự là một thực thể có thực mà hoạt động của nó có tác động to lớn đến sự định hình của thế giới chúng ta. Từ quan điểm nghiên cứu khoa học ngày nay, có nhiều hỗ trợ hơn cho việc đặt hiểu biết về các mối quan hệ và tâm trí ngang hàng với sự hiểu biết về hoạt động của cơ thể. Tôi thấy nó trở thành một phần cơ bản trong cách các bác sĩ lâm sàng được đào tạo, và tôi thấy một từ vựng thống nhất mới xuất hiện sẽ cho phép chúng ta nói về những điều vi tế chưa được khám phá trong cách nói và thực hành y học trước đây của chúng ta.
Bây giờ chúng tôi có những kết quả nghiên cứu đáng giá để trình bày cho một bộ phận sinh viên y khoa khát khao về mặt khoa học. Chúng tôi có thể cho họ thấy rằng đây không phải là “những thứ mềm mại.” Chúng không phải là những mối quan tâm tự chọn, không bắt buộc. Sự thay đổi liên tục của tâm trí và các mối quan hệ với những người khác là nền tảng cho ý nghĩa của việc trở thành con người và ý nghĩa của việc chữa lành vết thương cho thế giới.
Hết.
Xem lại Phần 1