Trong thời đại của chúng ta Tâm Từ lại có vai trò cần thiết hơn bất cứ thời đại nào khác vì chúng ta đang sống trong thời đại toàn cầu hóa. “Loving-kindness” là cách dịch phổ biến nhất từ “Metta” trong tiếng Pali – và nó là một yếu tố chính trong thực hành Phật giáo.
Từ “metta” có nguồn gốc từ một từ khác, “mitta,”có nghĩa là “bạn.” “Mitta” cũng có nghĩa là “mặt trời.” Do vậy, từ “Metta” cũng có thể được dịch là “loving–friendliness.” Chúng ta sống nhờ vào hơi ấm của mặt trời và chúng ta dựa vào tình bạn để phát triển.
Chúng ta không nên để khoảng cách địa lý xa-gần, cùng dân tộc hay khác dân tộc, cùng tôn giáo hay khác tôn giáo, cùng giai cấp hay khác giai cấp, cùng màu da hay khác màu da, cùng quan điểm hay khác quan điểm trở thành những biên giới ngăn cách chúng ta. Mà chúng ta cần phát triển tình bạn rộng khắp, một tình bạn không giống như trong thế giới ảo, tương tác với nhau thông qua những nút like, share đơn điệu.
Mạng xã hội có khả năng kết nối rất tốt nhưng sự kết nối ấy khác với Tâm Từ mà chúng ta truyền từ tâm này sang tâm khác. Những gì chúng ta kết nối bằng Tâm Từ thực hơn rất nhiều, có những làn sóng trong tâm thức của chúng ta phát ra, giúp chúng ta phát ra những xung động khiến người khác cảm thấy dễ chịu.
Tu tập Tâm Từ là để hóa giải những sân hận, những nội kết trước đây mà ta đã từng có. Trong cuộc sống hàng ngày, không phải mọi điều đều thuận theo ý muốn của chúng ta. Khi mọi khó chịu, bất an… bị tích tụ, đè nén lại, giam cầm trong tâm thức của chúng ta mà không được hóa giải thì đến một lúc nào đó nó sẽ bùng nổ ra ở dạng này hay dạng khác, và nó sẽ làm hại chính cơ thể của chúng ta. Hoặc nó sẽ làm hại tâm tính của chúng ta, chúng ta vô tình trở thành một người cáu bẳn tự lúc nào không biết.
Khi tu tập Tâm Từ, chúng ta dần dần nhận diện và làm chủ cảm xúc của mình, đào xới những ký ức ấm ức, ẩn ức từ thời thơ ấu đã bị dồn nén, hóa giải những tầng tâm thức sâu hơn nữa, từ từ gỡ bỏ những nội kết, những nỗi khổ niềm đau và chuyển hóa chúng.
Chỉ khi nào chúng ta tu tập Tâm từ, chúng ta biết yêu thương chính mình và những người khác, biết chấp nhận những khiếm khuyết của chính mình và những khiếm khuyết ở những người khác thì những hận thù, xung đột trong chính mình và giữa mình với những người khác mới được hóa giải.
1. Giới thiệu về “Tâm Từ thực hành căn bản”:
Cuốn sách Loving-kindness in Plain English (Chuyển ngữ sang tiếng Việt với nhan đề: Tâm Từ – thực hành căn bản) được Wisdom Publications xuất bản vào 14/3/2017 tập trung viết về cách nuôi dưỡng và vun bồi lòng từ ái đã ngay lập tức thuộc Top sách tâm linh hay nhất năm 2017 do Spirituality and Practice (Mỹ) bình chọn.
Với sự trong sáng và ấm áp đặc trưng của mình, Bhante Gunaratana chia sẻ với chúng ta cách chúng ta có thể nuôi dưỡng lòng từ để sống một cuộc sống hòa thuận vui vẻ với những người khác.
Thông qua những giai thoại cá nhân, những hướng dẫn thiền tập chi tiết, trích dẫn lời Đức Phật trong các bài kinh, và những hiểu biết sâu sắc về cách chúng ta sống và liên hệ với thế giới, chúng ta học được rằng hòa bình ở đây và bây giờ là có thể – trong chính chúng ta và trong tất cả các mối quan hệ của chúng ta.
Bhante Gunaratana chỉ dẫn trực tiếp về cách chúng ta có thể nuôi dưỡng lòng từ (nuôi dưỡng tình yêu thương) — một thực hành quan trọng trong Đạo Phật — để tìm thấy sự tươi mới về cảm xúc, vượt qua cơn giận dữ và trở nên bình an hơn — cả trong lúc thiền tập và cuộc sống thường ngày.
Thực hành Metta, bạn sẽ nuôi dưỡng và phát triển tình yêu thương, mong muốn hạnh phúc đến với tất cả chúng sinh (bắt đầu từ chính bạn, sau đó phát triển vòng tròn của bạn để bao trùm gia đình và bạn bè, tiếp đến là mở rộng vòng tròn yêu thương tới những người lạ, những người mà bạn không quen biết hoặc không có cảm xúc gì đặc biệt với họ, và tới những người đang gây cho bạn nhiều thử thách trong cuộc sống.) Metta bao trùm tất cả chúng sinh không giới hạn như vậy nên được gọi là Tâm Từ vô lượng.
Về mặt thực hành thiền tập, tâm Từ là một trong những đề mục thiền Định, là một hỗ trợ bổ ích và hiệu quả đối với Thiền Tuệ trong việc xoa dịu lo lắng, sân hận, hỗ trợ chánh niệm. Cảm xúc và năng lượng của tình yêu thương mà Tâm Từ mang lại giúp hành giả đối diện dễ dàng hơn trước những giai đoạn khó khăn, những cảm thọ khó chịu mà ai cũng phải trải qua trên con đường phát triển tâm linh.
Cuốn sách tuyệt vời này không chỉ hướng dẫn chúng ta một cách bài bản trong việc nuôi dưỡng lòng nhân ái, mà nó còn là sự truyền tải của một trái tim tỉnh thức. Cuốn sách là sự giới thiệu đơn giản, gần gũi, rõ ràng và tuyệt vời về Tâm Từ và được đánh giá là một cẩm nang tiêu chuẩn cho việc thực hành metta. Sách được phát hành theo Hợp đồng bản quyền giữa Công ty CP Doanh nghiệp xã hội Samanta và NXB Wisdom Publications.
2. Nhận xét:
“Sức mạnh Phật Pháp bắt nguồn từ ý thức tự nhắc nhở mình rằng: Trí tuệ và Tình thương (Tâm Từ) không phải là điều để cho ta chiêm ngưỡng ở những người khác mà là những điều chúng ta phải phát triển ở chính bản thân mình… Chúng ta hãy cùng học cách phát triển Tâm Từ cả trong thiền tập cũng như trong đời sống hằng ngày qua những lời hướng dẫn của thiền sư Bhante Gunaratana.”
Joseph Goldstein, tác giả của Chánh Niệm-hướng dẫn thực hành đến giác ngộ, Kinh nghiệm thiền quán, Ba mươi ngày thiền quán, Thiền quán con đường của tuệ giác.
“Trong ‘Tâm Từ thực hành căn bản,’ Bhante Gunaratana cung cấp sự giải thích rõ ràng và kỹ lưỡng về Karaniya Metta Sutta (Kinh Từ Ái), cũng như các bài giảng khác hướng dẫn thực hành Tâm Từ. Tất cả những điều này sẽ làm hài lòng độc giả quan tâm đến việc hiểu rõ hơn kinh điển. Bhante Gunaratana cũng đưa ra những câu chuyện tuyệt đẹp từ cuộc đời của chính mình để minh họa sức mạnh và lợi ích của việc thực hành metta. Bất cứ ai cũng tìm thấy một điều gì đó hữu ích cho mình trong cuốn sách này.”
Sharon Salzberg, tác giả của Sống với Tâm Từ, Trái tim thiền tập
“Được viết với sự sáng suốt tuyệt vời và chứa đầy những lời dạy và thực hành hữu ích, dễ tiếp cận, ‘Tâm Từ-thực hành căn bản’ sẽ giúp cuộc sống của bạn tràn ngập yêu thương.
Tara Branch, tiến sĩ, tác giả của Radical Acceptance.
3. Trích đoạn trong “Tâm Từ-Thực hành căn bản”:
YÊU THƯƠNG VÀ DÍNH MẮC
“…Tâm Từ không phải là tình yêu thương thông thường. Đó là loại tình yêu mà chúng ta cảm thấy trong toàn bộ cơ thể mình, một tình yêu thương vô điều kiện, không có động cơ thầm kín – và không coi những điều khác là đối lập. Nó không bao giờ có thể chuyển thành thù hận; đơn giản là sự phân biệt yêu-ghét không tồn tại. Khi chúng ta nói chúng ta yêu thích một người hoặc một điều nào đó, chúng ta thường có ý muốn nói rằng ngoại hình, cách cư xử, tư tưởng, hoặc thái độ của người đó bù đắp cho sự thiếu hụt trong ta. Chúng ta không thực sự hiểu rõ người kia.
Nếu các đặc điểm của họ thay đổi, chúng ta có thể không còn cảm thấy yêu nữa. Khi thị hiếu, sở thích hay suy nghĩ của chúng ta thay đổi, chúng ta cũng có thể hết yêu. Chúng ta yêu bây giờ, nhưng có thể sau này chúng ta lại ghét. Chúng ta yêu khi mọi thứ êm thấm và dễ dàng, nhưng chúng ta có thể cảm thấy điều ngược lại khi mọi thứ trở nên khó khăn. Khi tình yêu của chúng ta giống như vậy, thì cái mà chúng ta gọi là “tình yêu” đó không phải là Tâm Từ, mà là ham muốn, tham lam, hoặc thậm chí là lợi dụng.
Thiền sư Joseph Goldstein giải thích về Tâm Từ như thế này: “Loại tình yêu này có nhiều phẩm chất để phân biệt nó với những trải nghiệm tình yêu thông thường khác bị lẫn với ham muốn hoặc dính mắc [chấp thủ]. Sinh ra từ lòng tốt cao thượng, Tâm Từ là sự quan tâm và tử tế, không tìm kiếm lợi ích cho bản thân. Nó không tìm kiếm bất cứ điều gì đáp lại hoặc để trao đổi: “Tôi sẽ yêu bạn nếu bạn yêu tôi”, hay “Tôi sẽ yêu bạn nếu bạn cư xử như thế này.” Từ ái không bao giờ gắn với bất cứ điều gì bất thiện mà luôn sinh ra từ một tâm thanh tịnh…””
4. Đôi nét về thiền sư Gunaratana:
Bhante Henepola Gunaratana, người Tích Lan (Sri Lanka), là tác giả của hai quyển sách nổi tiếng do nhà xuất bản Wisdom Publications phát hành, Mindfulness In Plain English (Chánh Niệm – Thực Tập Thiền Quán, dịch giả Nguyễn Duy Nhiên) và Eight Mindful Steps to Happiness: Walking The Buddha’s Path (Bát Chánh Đạo: Con Đường Hạnh Phúc Theo Dấu Chân Phật, dịch giả Diệu Liên Lý Thu Linh) cùng rất nhiều đầu sách giá trị khác.
– Xuất gia năm 12 tuổi, là một tu sĩ Phật giáo trong gần 80 năm, Ngài đã đạt được danh hiệu cao nhất ở Bắc Mỹ của phái Siyam Nikaya, thuộc Phật giáo Nguyên Thủy. Sau khi qua Mỹ năm 1968, Ngài lấy bằng Tiến sĩ triết học tại The American University ở Washington, D.C.
– Ngài đã hướng dẫn các khóa tu thiền, giảng dạy Phật giáo, và thuyết giảng rộng rãi khắp các nước châu Âu, châu Á, Úc và Nam Mỹ. Năm 1988, Ngài thành lập Hội Bhavana, một tu viện/trung tâm tu thiền ở High View, West Virginia, nơi Ngài hiện đang sinh sống.
Xem thêm thông tin về tác phẩm, tác giả Ở ĐÂY
Xem thêm về sách thiền Vipssana Ở ĐÂY
Le hung –
Hay
Nguyễn Cư –
Đọc dể hiểu